Tại sao đi thang máy bị chóng mặt? Cách khắc phục hiệu quả
Tại sao đi thang máy bị chóng mặt? Cách khắc phục hiệu quả
1. Nguyên nhân chóng mặt khi đi thang máy
Có 4 nguyên nhân chính gây ra tình trạng chóng mặt khi đi thang máy:
1.1. Do tốc độ di chuyển của thang máy
Thang máy tốc độ cao giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tầng. Tuy nhiên, khi thang máy di chuyển quá nhanh, đặc biệt là khi thang máy tăng tốc hoặc giảm tốc đột ngột, cơ thể và hệ thần kinh chưa kịp thích nghi, gây ra hiện tượng chóng mặt ngay lập tức.
Ngoài ra, trong quá trình di chuyển, áp lực khí quyển thay đổi cũng làm ảnh hưởng đến tai trong – bộ phận đảm nhận chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể. Điều này dẫn đến cảm giác mất thăng bằng và tình trạng chóng mặt.
1.2. Do thang máy gặp vấn đề về giữ thăng bằng
Thang máy sau thời gian dài sử dụng, thường xuyên gặp phải tình trạng rung lắc và mất cân bằng. Nguyên nhân là do động cơ bên trong đã hoạt động lâu ngày mà không được bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên. Điều này dẫn đến sự mất ổn định trong quá trình vận hành, gây ra cảm giác chóng mặt, khó chịu cho người sử dụng. Bên cạnh đó, đối với một số thang máy mới lắp đặt, hiện tượng rung lắc mạnh cũng có thể xảy ra nếu quá trình lắp đặt không được thực hiện cẩn thận và chính xác.
Tình trạng rung lắc của thang máy không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn. Do đó, bạn nên bảo trì thang máy thường xuyên để phát hiện kịp thời các vấn đề bất thường. Khi phát hiện thang máy gia đình có dấu hiệu rung lắc, người sử dụng nên nhanh chóng liên hệ với các đơn vị sửa chữa thang máy uy tín để được hỗ trợ và xử lý.
1.3. Do thiết kế của thang máy gây rối loạn thị giác
Để tăng tính thẩm mỹ, nhiều thang máy được thiết kế với hoa văn rực rỡ hoặc trang bị hệ thống ánh sáng chớp tắt liên hồi. Thế nhưng, những chi tiết trang trí như vậy có thể gây ra cảm giác khó chịu đối với những người có thị lực nhạy cảm.
Khi cabin di chuyển với tốc độ cao, mắt con người không kịp thích nghi với sự thay đổi chóng vánh của ánh sáng và hình ảnh. Sự mất cân bằng giữa cảm nhận thị giác và chuyển động thực tế sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái không ổn định, từ đó xuất hiện cảm giác chóng mặt và mất thăng bằng.
1.4. Do tâm lý của người dùng
Khi lo lắng, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều loại hormon như adrenaline, cortisol làm tăng nhịp tim và nhịp thở. Những biến đổi sinh lý này gây ra phản ứng căng thẳng, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và dẫn đến cảm giác chóng mặt.
Ngoài ra, triệu chứng choáng váng khi đi thang máy cũng có thể xuất phát từ sự rối loạn thăng bằng của cơ thể trong quá trình di chuyển. Thông thường, khi di chuyển, tai trong sẽ ghi nhận tín hiệu chuyển động, mắt phát hiện sự di chuyển, các cơ khớp thực hiện chuyển động và gửi tín hiệu đồng bộ lên hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, khi di chuyển bằng thang máy, các bộ phận cơ thể không đồng thời phát hiện tín hiệu chuyển động, gây ra sự không đồng bộ và dẫn đến rối loạn.
Chóng mặt khi đi thang máy là điều bình thường đối với những ai chưa quen đi thang máy hay những người mắc chứng say tàu xe. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài mặc dù đã loại bỏ hết các nguyên nhân khách quan từ thang máy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến sức khỏe thần kinh.
2. Cách để không bị chóng mặt khi đi thang máy
Dưới đây là những cách hiệu quả giúp bạn không còn bị chóng mặt khi đi thang máy:
2.1. Với nhà đã có sẵn thang máy
2.1.1. Nên đứng vào giữa lòng cabin/sàn nâng thang máy khi di chuyển
Đứng vào lòng cabin/sàn nâng sẽ giúp giữ thăng bằng tốt hơn, giảm cảm giác lắc lư cũng như tránh va đập khi di chuyển sử dụng. Bạn có thể bám vào tay vịn thang máy để tìm điểm tựa cho mình khi chưa quen đi thang máy.
2.1.2. Hướng ánh mắt tập trung vào 1 điểm, hạn chế nhìn xung quanh thang máy
Khi thang máy di chuyển, bạn nên hạn chế đảo mắt quá nhiều. Thay vào đó, hãy tập trung nhìn vào 1 điểm để giữ cho tâm trí luôn ổn định. Điều này sẽ giúp giảm thiểu cảm giác chóng mặt do tốc độ di chuyển nhanh của thang máy gây ra.
Đối với những thang máy có nhiều họa tiết trang trí và hệ thống đèn cầu kỳ, việc hướng sự tập trung vào một điểm cũng sẽ giúp bạn tránh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thị giác phức tạp, tạo cảm giác thoải mái và an toàn hơn trong quá trình di chuyển.
2.1.3. Tập luyện nâng cao sức khoẻ
Rèn luyện thể dục thể thao sẽ giúp cải thiện chức năng của các cơ quan nội tạng và hệ thần kinh, từ đó tăng cường sức khoẻ tổng thể. Một cơ thể khoẻ mạnh sẽ hỗ trợ cho hoạt động trí não, giúp tăng khả năng tập trung và giảm thiểu tình trạng lo âu, căng thẳng.
Đối với những người gặp vấn đề về thăng bằng, việc tập trung vào các bài tập cải thiện khả năng thăng bằng sẽ mang lại hiệu quả tích cực. Tập luyện thường xuyên không chỉ giúp giảm triệu chứng chóng mặt khi đi thang máy mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống.